Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số

( Cập nhật lúc: 09/12/2022 00:00:00  )

(MPI) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

 Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo Quyết định, nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.

Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định đưa ra mục tiêu đến 2025: Lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Mọi người dân được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số.
100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia.
70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.
Đào tạo được tối thiểu 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Hoàn thiện mô hình "Giáo dục đại học số" và thí điểm triển khai mô hình tại một số cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trường đại học dân lập tham gia thí điểm triển khai mô hình.
Đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Mục tiêu đến 2030: 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc. Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Quyết định nêu rõ nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp hỗ trợ triển khai; các giải pháp về cơ chế tài chính.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án đầu tư để thực hiện Đề án từ nguồn vốn đầu tư công trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp ngân sách Nhà nước chi đầu tư; bố trí, phân bổ kinh phí đầu tư thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thuộc Đề án; hướng dẫn quản lý đầu tư thực hiện các nội dung thuộc Đề án.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án cho cả giai đoạn và kế hoạch hằng năm, bảo đảm đồng bộ các nội dung kế hoạch với kế hoạch phát triển chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cơ quan, địa phương mình. Đồng thời, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được phân công, bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Cử cán bộ và bố trí kinh phí cho cán bộ tham gia chương trình đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số và các hoạt động của mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia./.
Theo Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tác giả: Tùng Linh)
Sign In

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Địa chỉ : số 9 - Đường Trường Chinh - Thành phố Bắc  Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại : (0209) 3873795  Email: sokhdt@backan.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở

Giấy phép số 139/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 09/12/2020


Chung nhan Tin Nhiem Mang