Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoàn thiện khung pháp lý để DN tham gia đấu thầu công tại địa phương

( Cập nhật lúc: 28/06/2022 00:00:00  )

(Chinhphu.vn) - DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương. Đây là một trong những phát hiện chính của báo cáo khảo sát được công bố tại hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của DN” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội.

 Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những vướng mắc cụ thể cộng đồng DN đang gặp phải khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương. Từ đó, các cơ quan liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Báo cáo khảo sát tập trung đánh giá 2 vấn đề chính trong mua sắm đấu thầu công, gồm: Đánh giá của DN về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm công tại địa phương và đánh giá việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Những khó khăn mà DN thường gặp nhiều nhất là: Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi; điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, trong đó tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng; DN khó hoặc không mua được hồ sơ mời thầu. Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các DN tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, phía DN vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những DN lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy các DN lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các DN mới thành lập.

Ông Đậu Anh Tuấn phản ánh một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến DN lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là do họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Các lý do khác được DN đưa ra bao gồm: Chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại; lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai; chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại diện VCCI cho rằng hoạt động đấu thầu mua sắm công đã nảy sinh không ít vấn đề trên thực tế, khiến việc sửa đổi luật này đang trở nên rất cấp thiết. Những vấn đề đó bao gồm: Sự chưa đồng bộ, thống nhất của Luật Đấu thầu 2013 với các luật khác có liên quan mới được sửa đổi, ban hành; những bất cập trong quy trình, thủ tục đấu thầu khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và việc đưa công trình vào khai thác bị chậm lại, không kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện đại dịch COVID-19; mức độ cạnh tranh, tính minh bạch và công tác giám sát, xử lý vi phạm... còn hạn chế, dẫn tới xuất hiện nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

VCCI khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua sử dụng nhiều hơn các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong tổ chức và quản lý đấu thầu. Đồng thời, cơ quan quả lý Nhà nước cần tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công thông qua nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đấu thầu công. Ngoài ra, cơ quan chức năng ở địa phương cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của DN tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập.

Dưới góc nhìn quốc tế, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, bao gồm trong lĩnh vực y tế, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện UNDP kỳ vọng hoạt động hợp tác trong tương lai với sự tham gia tích cực của cộng đồng DN sẽ góp phần xây dựng một hệ thống đấu thầu công hiệu quả, số hóa và minh bạch ở Việt Nam.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Sign In

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Địa chỉ : số 9 - Đường Trường Chinh - Thành phố Bắc  Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại : (0209) 3873795  Email: sokhdt@backan.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở

Giấy phép số 139/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 09/12/2020


Chung nhan Tin Nhiem Mang