Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng chính sách về phát triển hộ kinh doanh và đề xuất để phát triển hộ kinh doanh trong giai đoạn mới

( Cập nhật lúc: 21/07/2022 00:00:00  )

Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh quy mô nhỏ, đơn giản và phổ biến ở nước ta nhưng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ tạo việc làm, cung cấp các dịch vụ cho xã hội, kinh doanh hộ gia đình còn là nhân tố “bình ổn” nền kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để người dân thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau tham gia vào thị trường, hoạt động kinh doanh với chi phí thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 1999, Việt Nam mới chỉ có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh, sử dụng hơn 3 triệu lao động. Đến năm 2020, quy mô này đã tăng hơn ba lần với 5,2 triệu hộ kinh doanh, sử dụng 8,7 triệu lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này có đóng góp không nhỏ từ sự thay đổi quan điểm, định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự thay đổi nêu trên cũng như đưa ra những kiến nghị, giải pháp để phát triển hộ kinh doanh trong giai đoạn mới.

SỰ THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VỀ PHÁT TRIỂN HỘ KINH DOANH

Giai đoạn trước năm 1986

Từ quan điểm của Lênin về kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Hồ Chí Minh đã vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, Người đã chỉ ra những hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế cụ thể tương ứng. Sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân; tương ứng với ba loại hình sở hữu đó là năm thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước. Trong các thành phần kinh tế nêu trên thì thành phần kinh tế quốc doanh là thành phần kinh tế lãnh đạo, phát triển mau hơn cả. Tuy nhiên, trước đổi mới tháng 12 năm 1986 ở nước ta thực chất chỉ phát triển hai thành phần kinh tế là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể dựa trên hai hình thức sở hữu Nhà nước và tập thể. Hộ kinh doanh tại thời điểm này được biết đến dưới hình thức tổ chức tiểu sản xuất hàng hoá (gồm các thợ thủ công, nông dân cá thể, người làm dịch vụ nhỏ) được kinh doanh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy môn bài và chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong nền kinh tế xã hội. Vào năm 1975, khu vực kinh tế tư nhân, tiểu sản xuất hàng hóa ở miền Bắc chỉ chiếm 8,3% tổng sản lượng xã hội (Niên giám Thống kê 1983).

Mặc dù đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải biến được một phần cơ cấu của nền kinh tế xã hội, đặt những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới trong thời kỳ này nhưng nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân chưa được ổn định. Tình trạng này đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới quan điểm để đưa ra chủ trương, chính sách đúng xoay chuyển tình thế, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.

Giai đoạn sau năm 1986 đến trước 2005

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12 năm 1986, đã khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng, tạo ra bước đột phá về tư duy đổi mới thể chế, cơ chế trong quản lý kinh tế. Đảng đã vận dụng một cách sáng tạo nhất quan điểm của Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nếu không có kinh tế nhà nước sẽ không có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng nếu không có kinh tế tư nhân, cũng sẽ không có kinh tế thị trường. Nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất với hai hình thức Nhà nước và tập thể là chủ yếu đã được định hướng chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu thành phần kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch. Kinh tế quốc doanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo nhưng các thành phần kinh tế khác đã dần được quan tâm hơn và tăng dần tỉ trọng.

Trong giai đoạn này, dù đã được chính thức công nhận dưới hình thức hộ cá thể và hộ tiểu công nghiệp bằng Nghị định số 27-HĐBT ngày 09/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tự doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp xây dựng, vận tải và được đánh giá là thành phần cần thiết lâu dài cho nền kinh tế, nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hóa đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua Nghị quyết số 06-NQ/HNTW ngày 29/3/1989 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI), hộ kinh doanh vẫn phát triển chậm do điều kiện lịch sử, bối cảnh kinh tế và nhiều cơ chế chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động như danh mục cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật rất rộng.

Giai đoạn từ năm 2005 đến nay

Sau gần 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tầm quan trọng của các thành phần kinh tế đã được tiếp tục hoàn thiện. Nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành để thúc đẩy nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Sau nhiều lần đổi tên qua các thời kỳ, tên gọi hộ kinh doanh đã chính thức được sử dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam từ năm 2006. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng vững chắc cho hộ kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Số lượng hộ kinh doanh liên tục tăng qua các năm.

 (Nguồn số liệu: Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê)

Có thể thấy rằng, trong những năm qua, sự đổi mới trong quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng chính sách đã giúp cho kinh tế tư nhân nói chung, hộ kinh doanh nói riêng phát triển và ngày càng thể hiện được rõ vai trò quan trọng của hộ kinh doanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại và hạn chế, có thể kể đến như sau:

Một là, hộ kinh doanh thường là mô hình kinh doanh với quy mô nhỏ nên bị hạn chế về năng lực kinh doanh và trình độ quản lý. Điều này dẫn tới năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, đóng góp tỷ trọng còn khiêm tốn cho ngân sách nhà nước khi so sánh với khu vực doanh nghiệp mặc dù chiếm một cấu phần quan trọng trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế (bình quân 30% GDP trong giai đoạn 2015-2019). Theo kết quả Tổng Điều tra kinh tế 2017 của Tổng cục Thống kê, tổng số nộp ngân sách nhà nước chỉ đạt 12.000 tỷ đồng, bình quân 2,7 triệu đồng/hộ trong khi con số của khu vực doanh nghiệp lần lượt là 861.000 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Hai là, hộ kinh doanh dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Ví dụ như do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều hộ kinh doanh phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Tốc độ tăng trưởng số lượng hộ kinh doanh giảm 3,5%, số lượng lao động năm 2020 sụt giảm tới 6% so với năm 2019. Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mức tăng bình quân số lượng hộ kinh doanh trong giai đoạn 2016-2020 thấp hơn giai đoạn 2011-2016 và 2011-2006 (bình quân giai đoạn 2016-2020, số lượng hộ kinh doanh tăng 1,4%/năm, thấp hơn mức bình quân 3%/năm giai đoạn 2011-2016 và 4,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011.

Ba là, hộ kinh doanh bị giới hạn về vốn. Vốn của hộ kinh doanh chủ yếu là tự thân hoặc từ các nguồn vốn vay cá nhân, từ người thân, bạn bè nên ít và không dồi dào. Trong khi đó, việc tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Do không có pháp nhân nên hộ kinh doanh cũng bị hạn chế hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề và không được phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ kinh doanh.

Bốn là, hộ kinh doanh bị hạn chế quyền kinh doanh. Theo quy định hiện hành, mỗi hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; Hộ kinh doanh cũng không thể tham gia vào các ngành như tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản,… đòi hỏi phải có tư cách pháp nhân và vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.

Năm là, số lượng hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh không nhiều. Nó cho thấy tính minh bạch trong hình thức kinh doanh này còn thấp, gây khó khăn cho việc quản lý, công tác thống kê. Việc quản lý đối tượng hộ kinh doanh vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể, cho dù điều này đã được đề cập trong một văn bản pháp lý có từ năm 2006, và được điều chỉnh một vài điều khoản có trong Luật Doanh nghiệp ban hành lần lượt vào các năm 1999, năm 2005, năm 2014 và mới đây nhất là năm 2020.

Sáu là, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hộ kinh doanh sẽ bị giới hạn bởi không gian, phạm vi thị trường, không thích ứng với các phương thức quản trị chuyên nghiệp, không huy động rộng rãi sự đầu tư góp vốn và sự tham gia quản lý của các chuyên gia bên ngoài, tổ chức sản xuất liên kết theo các chuỗi. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của chính các hộ kinh doanh và cũng không tạo điều kiện phát triển thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phát triển các thị trường trong nước thành một thể liên kết thống nhất. 

ĐỀ XUẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN HỘ KINH DOANH TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Với những khó khăn và tồn tại nêu trên, để giúp cho hộ kinh doanh phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, tăng tính minh bạch cho hình thức kinh doanh này thì cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cải thiện khung khổ pháp lý về quản lý và hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh: Thực hiện rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thành lập, đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký, quản trị, quản lý hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, đưa ra khuyến nghị về việc sửa đổi khung pháp lý về hộ kinh doanh để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và hỗ trợ phát triển hộ kinh doanh.

Hai là, xây dựng hệ thống thông tin về hộ kinh doanh quốc gia: Xây dựng hệ thống thông tin hộ kinh doanh quốc gia lưu giữ thông tin đăng ký hộ kinh doanh và cung cấp thông tin có giá trị pháp lý về hộ kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, liên thông dữ liệu với cơ quan Thuế và các quận huyện.

Bà là, nâng cao nhận thức cho hộ kinh doanh: Nâng cao nhận thức của hộ kinh doanh, các bên liên quan và cộng đồng về nội dung cải cách khung pháp lý, hệ thống hộ kinh doanh quốc gia; nâng cao nhận thức của hộ kinh doanh về vấn đề quản trị hoạt động, tuân thủ quy định của pháp luật, đặc biệt quy định về quản lý thuế, nhận thức lợi ích của việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, về thuận lợi, khó khăn và hướng xử lý khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Bốn là, hỗ trợ về kỹ thuật hộ kinh doanh: Hỗ trợ hộ kinh doanh về các vấn đề hộ kinh doanh quan tâm như tiếp cận thị trường, kết nối điện, internet (với mục đích giảm sự chênh lệch về công nghệ kỹ thuật số giữa các hộ kinh doanh và giữa hộ kinh doanh với các khu vực kinh tế khác), tư vấn thuế và pháp lý, các nhóm đào tạo về quản lý, tiêu chuẩn và nghĩa vụ kỹ thuật theo ngành, nghề và đặc biệt là đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; nghiên cứu và thí điểm triển khai cung cấp sản phẩm tài chính vi mô (MFI) được thiết kế chuyên biệt cho hộ kinh doanh, kết nối hộ kinh doanh với MFI, nâng cao nhận thức về các cơ hội tài chính vi mô cho hộ kinh doanh.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Sign In

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Địa chỉ : số 9 - Đường Trường Chinh - Thành phố Bắc  Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại : (0209) 3873795  Email: sokhdt@backan.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở

Giấy phép số 139/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 09/12/2020


Chung nhan Tin Nhiem Mang