Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

( Cập nhật lúc: 13/10/2021 00:00:00  )

(MPI) - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 được tổ chức vào ngày 28/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công, đạt kết quả giải ngân cao nhất có thể.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.
Ảnh: chinhphu.vn

Chính phủ và Nhà nước luôn chú trọng đến việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1082/CĐ-TTg tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện vẫn còn yếu và thiếu đồng bộ, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời. Chỉ có 04 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. Thủ tướng yêu cầu cần phải tập trung cao hơn, quyết liệt hơn và có các giải pháp cụ thể hơn.

Việc thực hiện còn chậm một phần do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, ví dụ như việc xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, còn kéo dài; thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và không đúng bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi còn thiếu quyết liệt, sâu sát, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc. Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương này kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, khó khăn, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn; xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân còn trì trệ, ngoài ra khen thưởng kịp thời với đúng người, đúng việc, đúng pháp luật.

Quyết tâm cao để thực hiện các nhiệm vụ sắp tới

Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh sẽ rất khó khăn do đợt bùng phát dịch thứ 4 tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân. Các địa phương cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Phải kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công; trên cơ sở kiên định các nguyên tắc chung, các cơ quan, địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, báo cáo cấp trên trực tiếp để bảo đảm thống nhất, hiệu quả. Việc giao vốn phải chuẩn bị kỹ càng, lựa chọn đúng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước có hạn, phải theo đúng tinh thần kết luận của Trung ương: Đầu tư công phải dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về công tác này. Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung để các bộ ngành, địa phương quán triệt.

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình trong tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền. Phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu.

Thứ hai, phải giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí.

Thứ ba, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt là nêu cao tinh thần tự lực tự cường, coi khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, khắc phục các hạn chế, bất cập.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp được thống nhất tại Hội nghị trên cơ sở quy định của luật pháp và các nghị quyết của Chính phủ. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm. Đề cao tính kỷ luật kỷ cương, kịp thời phát hiện yếu kém, tiêu cực để xử lý và tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng giao các bộ ngành, chủ động điều chỉnh vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, từ cơ quan, địa phương này sang cơ quan, địa phương khác theo quy định; tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cần tranh thủ làm ngay các thủ tục cho các dự án; có lộ trình phù hợp, mở cửa trên tinh thần bảo đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính.

Hệ thống Hội nghị trực tuyến được kết nối tới cấp cơ sở trên toàn quốc, cho nên thời gian vừa qua, Thủ tướng đã kiểm tra, làm việc tới tận cấp xã. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn để tiết kiệm thời gian, chi phí. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành, thành viên Chính phủ, các địa phương quán triệt tinh thần này, tiết kiệm cho dân cho nước trong lúc này là rất cần thiết.

Trong số các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng lưu ý Bộ Tư pháp thẩm định ngay trong tháng 9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài, không để tồn đọng hồ sơ, xử lý kịp thời các vướng mắc về thanh quyết toán. Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tiến độ giải ngân hằng tháng của các bộ, cơ quan, địa phương trên Cổng Thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin được minh bạch, rõ ràng; các cơ quan, ban ngành, địa phương kịp thời nắm bắt.

Về các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị và các vướng mắc về thể chế, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp tục rà soát, các địa phương chủ động phối hợp để giải quyết kịp thời. Các cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kiến nghị và trình Chính phủ giải quyết nhanh nhất có thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn./.

Theo Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Sign In

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Địa chỉ : số 9 - Đường Trường Chinh - Thành phố Bắc  Kạn - Tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại : (0209) 3873795  Email: sokhdt@backan.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Ông Trần Công Hòa - Giám đốc Sở

Giấy phép số 139/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 09/12/2020


Chung nhan Tin Nhiem Mang